Ngày 20 tháng 11 năm 2019, tại Nhà đa năng Trường TH&THCS xã Phú Thành đã diễn ra buổi Toạ đàm kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tham dự buổi toạ đàm có các đồng chí lãnh đạo thay mặt cho Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Phú Thành, lãnh đạo, chỉ huy Kho KT788, Phân kho C - Kho KT 788, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường năm học 2019 - 2020 và 71 cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường TH&THCS xã Phú Thành.

Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu về dự buổi toạ đàm kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Thay mặt Ban Giám hiệu nhà trường, đồng chí Hoàng Thị Hằng - Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường đã ôn lại lịch sử Ngày Hiến chương các nhà giáo:

Truyền thống của giáo dục Việt Nam và truyền thống của người giáo viên Việt Nam đã có bề dày lịch sử. Từ người thày Vạn Hạnh, đã có người trò vĩ đại Lý Công Uẩn. Và chỉ người thày ấy mới có được người trò đã ra Chiếu rời đô đến đất Thăng Long và mở ra một kỉ nguyên phát triển phồn hoa của dân tộc Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn là người trò ấy đã đặt nền móng đầu tiên cho công cuộc giáo dục của đất nước Đại Việt bằng cách lập nên Quốc Tử Giám, trường học đầu tiên dành cho con cháu quý tộc năm 1070. Rồi bước ngoặt tiếp theo là khi Lý Nhân Tông cho mở khoá thi đầu tiên để chọn hiền tài thay cho việc tiến cử, như thế chúng ta đã thấy rõ vai trò của sự học trong việc lập thân và cống hiến cho dân tộc. Đến đời vua Lê Thánh Tông ngài đã mở rộng giáo dục bằng cách cho phép con nhà dân cũng được theo học và thi như con nhà qúy tộc, đồng thời cho dựng bia đá tại Quốc Tử  Giám để ghi tên những người đỗ đạt cao và có công lao lớn với đất nước. Năm 1884, thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng thực hiện chính sách ngu dân, nhưng đồng thời cũng mở ra một số trường học với quy định chỉ con nhà giàu mới có đủ điều kiện theo học, nhưng qua đó cũng tạo nên hệ thống trường lớp chính quy và việc dạy học được đưa vào với tư cách toàn diện các bộ môn và ngay trong lòng của sự nô dịch về giáo dục thì vẫn có những điểm sáng như trường Đông Kinh Nghĩa Thục của chí sĩ Phan Bội Châu tại số 4 Hàng Đào - Hà Nội, trường được duy trì đến năm 1919 và diễn ra khoa thi cuối cùng của Nho học và Giáo dục Giáo dục Nho học cũng khép lại từ đây.

          Như vậy trong 844 năm nền giáo dục phong kiến Việt Nam tuy có nhiều tồn tại nhưng nền giáo dục ấy đã coi trọng luân, lí, lễ, nghĩa, đã đóng góp cơ bản cho nền tảng giáo dục đạo đức sau này. Nền giáo dục phong kiến Việt Nam bị chính quyền thực dân Pháp thay đổi toàn bộ từ chương trình, đến chữ viết, hệ thống các trường từ tiểu học đến đại học dần dần được hình thành. Không cam chịu cảnh sống nô lệ và ảnh hưởng của văn hoá nô dịch -  thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước từ năm 1911 để rồi với tư tưởng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh ra nền giáo dục cách mạng vào năm 1941 với việc đầu tiên là mở lớp huấn luyện cán bộ. Người nêu rõ: “…huỷ bỏ nền giáo dục nô dịch, xây dựng nền quốc dân giáo dục, mỗi dân tộc đều có quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong nền giáo dục của mình…”

          Và trên thế giới cách đây 73 năm, ngày 20/11/1946, tổ chức giáo giới đầu tiên được thành lập, đó là Liên hiệp Quốc tế Công đoàn Giáo dục thế giới có tên gọi tắt là Fise, trụ sở đầu tiên của Fise được đặt tại Pari (thủ đô nước cộng hoà Pháp), sau chuyển sang Viên (thủ đô nước Áo) rồi sang Pra ha (thủ đô Tiệp Khắc cũ) và từ năm 1977 đến nay trụ sở được đặt tại Béc Lin (thủ đô của nước Đức). Tháng 7 năm 1953 Công đoàn Giáo dục Việt Nam gia nhập tổ chức giáo giới Quốc tế này và hiện nay Fise có trên 170 nước với hơn 390 tổ chức tham gia.

          Năm 1949 tại hội nghị ở Vácsava thủ đô nước Cộng hoà Ba Lan. FISE xây dựng một hiến chương các nhà giáo gồm 15 chương trong đó có một số nội dung chủ yếu là:

- Đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản phong kiến nhằm xây dựng nền tiến bộ dân chủ và khoa học.

- Đấu tranh thủ tiêu chế độ bạc đãi coi khinh nghề dạy học và những người dạy học. Bảo vệ những quyền lợi chính đáng về vật chất và tinh thần của các nhà giáo.

- Quy định một số điều đối với các nhà giáo đặc biệt nêu cao nghề dạy học và những người dạy học.

     Tháng 8 năm 1954 tổ chức Công đoàn của các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới với nòng cốt là các nhà giáo các nước XHCN đã nhất trí thông qua bản hiến chương các nhà giáo.

     Từ ngày 26 đến ngày 30/8/1957 tại thủ đô Vacsava (Ba Lan). Hội nghị Quốc tế các nhà giáo đã thông qua bản hiến chương các nhà giáo và quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày hiến chương các nhà giáo. Nghị quyết của hội nghị đã được nhanh chóng phổ biến đến tất cả các trường học, các cơ quan  quản lý giáo dục miền bắc và đồng bào giáo giới, học sinh miền nam.  Ngày 20/11/1958, ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo được tổ chức lần đầu tiên trên miền bắc nước ta. Những nǎm sau đó, ngày lễ này còn được tổ chức tại nhiều vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam. Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền địa phương, các tầng lớp nhân dân và các bậc cha mẹ học sinh. Ngày 20/11 hàng năm đã được tiến hành trong cả nước, các em học sinh đã hưởng ứng ngày 20/11 hàng năm bằng những hoạt động bày tỏ lòng quý mến, biết ơn thày giáo, cô giáo, cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức và tình cảm của mỗi người dân đối với nhà giáo đã trở thành hành động chủ động và tự giác.

Đồng chí Hoàng Thu Hằng - Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường thông qua diễn văn kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

      Để tiếp tục khẳng định, nêu cao vai trò vị trí của giáo dục và để thể hiện sự quan tâm chăm sóc của Đảng, của dân tộc đối với sự nghiệp “trồng người”, đồng thời để tiếp tục phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo - Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày “Nhà giáo Việt Nam” và ngay sau đó ngày nhà giáo Việt Nam đầu tiên đã được Nhà nước tổ chức trọng thể đúng vào ngày 20/11/1982 tại Hội trường Ba Đình Hà Nội. Từ đó đến nay, ngày 20/11 là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người.

Trong lịch sử nước ta những thầy giáo chân chính bao giờ cũng là những nhà yêu nước, nhiều thế hệ yêu nước đã sản sinh ra nhiều thế hệ học trò làm cách mạng. Dưới chế độ phong kiến với sự thống trị của tư tưởng nho giáo, các nhà giáo chân chính đã không tự ràng buộc mình trong quan niệm “ Trung quân - ái quốc”, mà luôn thể hiện khí phách đạo lý cao cả như thầy giáo Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát...và các thầy đã để lại sự vẻ vang cao đẹp của người làm cách mạng cho các thế hệ học sinh. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, trong hàng ngũ những người yêu nước luôn có mặt những người thầy giáo và tiêu biểu là các thầy Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc...và vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng và nhân dân Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc cũng bắt đầu cuộc đời hoạt động yêu nước của mình bằng nghề dạy học. Học trò của Người, các nhà cách mạng khác cũng bắt đầu sự nghiệp cách mạng bằng nghề dạy học đó là các Đ/c Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... Trong nền giáo dục cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng vị trí, vai trò của các nhà giáo.

Trải qua 73 năm Quốc tế hiến chương các nhà giáo và 37 năm ngày nhà giáo Việt Nam, cùng với sự lớn mạnh của đất nước, của dân tộc, sự nghiệp giáo dục xã Phú Thành nói chung và Trường TH&THCS xã Phú Thành nói riêng đã có từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Những năm gần đây tuy CSVC của nhà trường đã được cải thiện đáng kể nhưng việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục còn gặp nhiều hạn chế do điều kiện phát triển kinh tế của nhân dân địa phương còn khó khăn,... song để vượt lên những khó khăn đó đội ngũ CB - GV nhà trường đã không ngừng phấn đấu để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ do GD&ĐT Lạc Thuỷ cùng với Đảng bộ, Chính quyền địa phương và nhân dân xã Phú Thành giao phó. Trong nhiều năm học vừa qua nhà trường luôn hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra và đăng ký với Phòng Giáo dục và đào tạo.

Thay mặt cho 1082 học sinh của nhà trường, em Nguyễn Tú Anh đã phát biểu cảm tưởng và những lời tri ân tới các thầy giáo, cô giáo của nhà trường: thầy cô là những người bạn lớn tuổi, người cha, người mẹ luôn hướng về những đứa con thân yêu là các em học sinh. Thầy cô trang bị cho các em hệ thống tri thức để các thế hệ học sinh tự tin với hành trang tri thức để bước vào đời.

Em Nguyễn Tú Anh - học sinh lớp 8A1 phát biểu cảm tưởng

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA BUỔI TOẠ ĐÀM

Đồng chí Quách Thị Minh - đại diện giáo viên lớn tuổi của nhà trường phát biểu cảm tưởng

Đồng chí Trần Thị Hoà - đại diện giáo viên trẻ tuổi của nhà trường phát biểu cảm nghĩ

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Hà - Chủ tịch Công đoàn sơ kết đợt thi đua chào mừng 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Đồng chí Hoàng Thị Hằng - Hiệu trưởng nhà trường trao thưởng cho các giáo viên có giờ dạy xuất sắc trong phong trào thi đua

Đồng chí nguyễn Xuân Nhân - Phó Hiệu trưởng trao thưởng cho các đồng chí có bộ hồ sơ tốt

Ông Nguyễn Tiến Công - Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường phát biểu chúc mừng thầy cô nhà trường

 

Đồng chí đinh Công Long - thay mặt Đảng uỷ, HĐND,UBND xã Phú Thành phát biểu và tặng hoa chúc mừng nhà trường

 

Nội dung khác

THÔNG BÁO

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Ý KIẾN PHẢN HỒI

MỌI Ý KIẾN PHẢN ÁNH VUI LÒNG LIÊN HỆ:

HOTLINE : 0964234636

EMAI : c12.lat.pht@hoabinh.edu.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay : 75
Hôm qua : 27
Tất cả : 12782